Phường Phúc Lợi mới có diện tích tự nhiên: 10,30 km2, quy mô dân số: 58.886 người. Đảng bộ phường có tổng số 97 tổ chức đảng với 3795 đảng viên; 47 tổ dân phố. Địa giới hành chính của phường gồm phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường Phúc Lợi, Phúc Đồng (Long Biên); một phần diện tích tự nhiên, dân số của các phường Việt Hưng, Giang Biên, Thạch Bàn (Long Biên) và xã Cổ Bi (Gia Lâm). Ranh giới đơn vị hành chính: phía Đông tiếp giáp ĐVHC cơ sở Phù Đổng, Thuận An (đi theo ranh giới cấp huyện và đường giao thông hiện nay); phía Tây tiếp giáp ĐVHC cơ sở Việt Hưng, Long Biên (ranh giới đi theo phố Đào Đình Luyện - đường Nguyễn Văn Linh); phía Nam tiếp giáp ĐVHC cơ sở Gia Lâm, Long Biên (ranh giới đi theo đường QL5 - đường CT37); phía Bắc tiếp giáp ĐVHC cơ sở Việt Hưng, Phù Đồng (ranh giới đi theo đường giao thông quy hoạch - sông Đuống).
Theo sử sách ghi lại, phường Phúc Lợi có lịch sử hình thành lâu đời với nhiều lần thay đổi địa giới và tên gọi. Vốn được hình thành từ các làng cổ Vo Thượng, Vo Trung, Vo Đông, Vụ Đồng, Hội Xá, Mai Phúc, Sài Đồng, Tân Thụy. Trước cách mạng tháng tám năm 1945, một phần Phúc Lợi thuộc tổng Đặng Xá, một phần thuộc tổng Gia Thụy, một phần thuộc tổng Cự Linh, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, tỉnh Bắc Ninh. Sau Cách mạng Tháng 8 thành công, xã Phúc Đồng, xã Phúc Lợi được hình thành, đều thuộc huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1961, thực hiện Quyết định của Hội đồng chính phủ, xã Phúc Lợi thuộc huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Năm 965, xã Phúc Lợi được đổi tên thành xã Hội Xá. Thực hiện Nghị định số 132/2003/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 6/11/2003, phường Phúc Đồng, phường Phúc Lợi, phường Sài Đồng thuộc quận Long Biên thành phố Hà Nội. Ngày 14/11/2024, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025, phường Sài Đồng được sáp nhập vào phường Phúc Đồng và Phúc Lợi. Đến ngày 16/6/2025, thực hiện Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, phần lớn diện tích tự nhiên và quy mô dân số của phường Phúc Đồng, Phúc Lợi cùng với một phần phường Thạch Bàn, xã Cổ Bi, Giang Biên, Việt Hưng hình thành phường mới có tên gọi là Phúc Lợi.
Phường Phúc Lợi hiện có tốc độ đô thị hóa nhanh, hạ tầng cơ sở đang từng bước được hoàn thiện, kết nối theo hướng đô thị hiện đại, đồng bộ. Mạng lưới giao thông phát triển phong phú, kết nối giao thương, đi lại thuận tiện với các địa phương trong vùng. Nhiều khu công nghiệp, chung cư, dự án lớn đã và đang được triển khai như: dự án Vinhomes Riverside, Ecohome Phúc Lợi, khu công nghiệp Hà Nội - Đài Tư, vườn hoa Phúc Đồng,… góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng, tạo điểm nhấn đô thị. Các công trình, dự án phục vụ an sinh xã hội được quan tâm xây dựng, đang ngày càng phát huy giá trị, nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân.
Cùng với sự phát triển về đô thị, phường Phúc Lợi còn là vùng đất mang nhiều giá trị văn hóa đặc sắc với 16 di tích (trong đó có 7 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 5 di tích được xếp hạng cấp thành phố), 7 lễ hội, 01 nghề truyền thống – nghề làm quạt (thôn Nông Vụ Đông). Đặc biệt, năm 2016 hát múa Ải Lao, phường Phúc Lợi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Những giá trị văn hóa truyền thống này, trong nhiều thập kỷ qua đã được nhiều thế hệ Người dân Phúc Lợi gìn giữ, bảo tồn và phát huy gắn với xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
Thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nghị quyết của Chính phủ về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02, Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội về việc tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Hà Nội và Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Hà Nội. Ngày mùng 1/7/2025, cùng với các xã, phường trong cả nước, phường Phúc Lợi mới sẽ triển khai vận hành mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp. Đây là mô hình chưa từng có trong tiền lệ, tuy nhiên với quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, phường Phúc Lợi mới sẽ được triển khai vận hành hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, tạo nền tảng vững chắc cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.